Tin Tức
5 Sự thật thú vị về vàng mà có thể bạn chưa biết!
Nhắc đến vàng, chúng ta thường liên tưởng ngay đến các loại trang sức đắt đỏ, nhưng ít người biết rằng vàng có rất nhiều công dụng quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là những sự thật thú vị về vàng mà bạn có thể chưa biết.
1. Vàng có nguồn gốc từ đâu?
Vàng, giống như nhiều nguyên tố khác, không chỉ tồn tại trên hành tinh của chúng ta mà còn xuất hiện trên nhiều hành tinh khác trong vũ trụ. Nguồn gốc của vàng bắt nguồn từ những vụ nổ thảm khốc ở không gian. Khi một ngôi sao cạn kiệt nhiên liệu hạt nhân hoặc va chạm với một ngôi sao khác, nó sẽ tạo ra một vụ nổ cực kỳ mạnh mẽ, giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ. Các mảnh vỡ từ những vụ nổ này được phân tán rộng rãi khắp vũ trụ, mang theo các nguyên tố nặng như vàng.
2. Vàng được hình thành như thế nào?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Queensland (Úc), vàng chủ yếu hình thành thông qua các quá trình liên quan đến động đất và nước. Khi động đất xảy ra, các đứt gãy địa chất tạo ra nhiều khe hở trên bề mặt trái đất, khiến nước nhanh chóng tràn vào các khe hở này. Sự giảm áp suất đột ngột làm gia tăng tốc độ bay hơi của nước, và các hạt vàng tồn tại trong môi trường này sẽ ngay lập tức kết tủa. Quá trình lặp đi lặp lại trong thời gian dài dẫn đến sự hình thành các lớp vàng trầm tích. Để tạo thành 100 tấn vàng sẽ cần ít nhất 100.000 năm.
3. Vàng đứng thứ mấy trong bảng độ quý hiếm?
Mặc dù vàng thường được coi là một kim loại quý hiếm và có giá trị cao, nhưng trên thực tế, nó không phải là kim loại hiếm nhất trên Trái Đất. Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố, vàng chỉ xếp ở vị trí thứ 58/92 về độ hiếm. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều nguyên tố khác hiếm hơn vàng, ví dụ như osmi, rhodi và iridi,....
4. Vàng được tìm thấy ở đâu trên thế giới?
Vàng đã được tìm thấy ở tất cả 7 lục địa trên toàn thế giới. Theo các nhà khoa học, khoảng 80% lượng vàng trên trái đất vẫn chưa được khám phá và có thể nằm rất sâu dưới mặt đất. Thêm vào đó, ước tính có tổng cộng 10 tỷ tấn vàng trong các đại dương. Tuy nhiên, nó loãng đến mức không thể khai thác được.
5. Vàng được sử dụng trong các lĩnh vực nào?
Trang sức:
Đây là lĩnh vực phổ biến nhất của vàng. Nhờ vào đặc tính dẻo và khả năng chống oxi hóa, vàng trở thành lựa chọn lý tưởng cho việc chế tác các món trang sức tinh xảo, chi tiết cao như nhẫn, dây chuyền, bông tai và vòng tay. Trong lĩnh vực này, vàng thường được sử dụng dưới dạng hợp kim để đảm bảo sản phẩm tạo ra không chỉ đẹp mắt mà còn có độ bền cao.
Trang trí nội thất:
Vàng cũng có ứng dụng trong lĩnh vực trang trí nội thất, thể hiện sự sang trọng và đẳng cấp trong không gian sống. “Vàng lá” được sử dụng để ốp trần, tường, và các đồ nội thất trang trí hay đồ dùng gia đình.
Thực phẩm:
Vàng sử dụng trong thực phẩm khác với vàng trong trang sức. Theo đó, vàng sử dụng trong thực phẩm là dạng vàng tinh khiết (24 karat), không chứa hóa chất độc hại, và được chứng nhận bởi các tổ chức quản lý thực phẩm. Vàng lá hoặc vàng bột không có hương vị nên thường được dùng để trang trí, thể hiện sự sang trọng và đẳng cấp cho món ăn.
Làm đẹp:
Vàng đã trở thành một thành phần được ưa chuộng trong ngành làm đẹp nhờ vào những lợi ích nổi bật mà nó mang lại. Với khả năng chống oxy hóa và kích thích tuần hoàn, tinh chất vàng thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da cao cấp như mặt nạ, serum và kem dưỡng. Những sản phẩm này giúp cải thiện độ sáng và đàn hồi của da, giúp làn da trở nên căng mịn và sáng khỏe.
Y học:
Đồng vị vàng phóng xạ Au-198 được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Ngoài ra, một số hợp chất vàng được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, cấy ghép implant nha khoa, đồng thời vàng còn là vật liệu lý tưởng cho việc sản xuất các thiết bị và dụng cụ phẫu thuật.
Điện tử:
Vàng với khả năng dẫn điện và dẫn nhiệt tốt cũng như đảm bảo tính ổn định cao nên được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điện tử. Theo đó, vàng hay “muối vàng” đóng vai trò như 1 lớp bao phủ bảo vệ và kết nối các bộ phận nhỏ trong các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, thậm chí là các linh kiện điện tử siêu nhỏ.
Tiền tệ:
Vàng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính thế giới. Nhiều quốc gia vẫn giữ vàng như một phần trong dự trữ ngoại hối, đồng thời, vàng cũng là một kênh đầu tư dài hạn và an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân.
Như vậy, vàng không chỉ là một kim loại quý được sử dụng để chế tác trang sức, thể hiện sự sang trọng và đẳng cấp, mà còn có nhiều ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực khác.
Vàng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như điện tử, y học, và làm đẹp, điều này chứng minh rằng vàng có giá trị thực tiễn là không thể phủ nhận.